Năng suất hữu cơ

Bởi Nguyễn Đém

Học viên lớp Mekong Organics từ Cần Thơ, ghi nhận về lớp học “hiểu về khả năng của đất đai Việt Nam để canh tác hữu cơ của chuyên gia Võ Tòng Anh”

Bước vào quán cà phê sáng sớm theo giờ nông thôn là 4 giờ 30 phút đến 6 giờ, thường nhiều bác nông dân hỏi nhau “năng suất bao nhiêu vậy?” mới bắt đầu kêu “bà chủ ơi 1 ly cà phê đá nghe?”, rồi mới kéo ghế ngồi xuống nói chuyện phương pháp canh tác. Theo nhiều người làm nông nghiệp thì đó là lời chào của nhiều cuộc hẹn hò của người nông dân Nam Bộ làm lúa, làm vườn.

Của con được một tấn mốt chú hai, còn con có tám trăm ký lô hà bác ba, vụ này con được một tấn ông ơi,… tiếng cười tiếng nói rộn ràng thốt lên trong quán cà phê, như niềm vui mừng vì kết thúc một mùa vụ xứng đáng và cần có thành quả của riêng mình. Tiếp theo là màng kể chuyện phun thuốc đạo ôn bằng thuốc của công ty A không bằng thuốc công ty B và tôi thường sử dụng thuốc công ty C là tốt nhất và an tâm nhất. Tiến về gần kết thúc cà phê là vụ tiếp theo cần làm giống lúa gì, trồng khổ qua hay dưa hấu, sầu riêng có đậy mũ không, xử lý ra bông mít sao vậy, mua thuốc tưới nhãn của ai vậy,… Hầu như trong cuộc trò chuyện này rất hiếm khi nói đến chi phí đầu tư, hay đầu tư mỗi loại phân thuốc là bao nhiêu tiền, càng hiếm để bàn về loại đất đang canh tác là có cấu tạo ra sao, sử dụng nhiều phân hữu cơ không,…

Hình chụp từ clip trên THVL “đất sống”, ảnh: Nguyễn Đém, lớp học Mekong Organics , ảnh Nguyễn Đém

Gần đây, đài truyền hình Vĩnh Long phát đi thông điệp “đất sống”, phóng sự đề cập đến sự sống trong đất, có nhiều mối quan hệ trong môi trường đất được diễn ra, từ các tầng cây trên cao xuống đất và đến các loài kiến, loài giun, loài nấm, sự phân hủy của xác bã,… có đoạn đưa lên phẫu diện đất được quay trực tiếp tại xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long. Phẫu diện đất cắt ngang và được giải thích cho mọi người nông dân hiểu hơn về đặc tính vật lý và hóa học của đất, nguyên nhân đất bị nén dẽ, cách cải tạo để người nông dân trồng cây ăn trái có thêm thông tin.

Hình phẫu diện đất được trình bày tại Mekong Organics, thầy Võ Tòng Anh, ảnh: Nguyễn Đém

Qua phẫu diện đất cho chúng ta thấy tầng canh tác của đất ở mức độ nào, chiều sâu là bao nhiêu để rễ cây có thể ăn sâu, đo được hàm lượng hữu cơ, tính được mức trao đổi chất trong đất,… và nhiều thông số khác mà chúng ta muốn biết. Nhiều bác nông dân ở vùng Tây Nguyên còn mang đất đi đến các trung tâm phân tích đất để biết được các thông số trước khi xác định trồng loại cây gì cho phù hợp, điều này phải chịu chi phí. Với nhiều nông dân ở vùng cây ăn trái, cái thường sử dụng tới nhiều nhất là pH trong đất và số lượng bao hữu cơ sử dụng trong một vụ. Nhiều nhà vườn còn thiếu máy pH vì cho rằng chi phí cao, hay quên khi ra vườn,…nhưng đây được cho là huyết áp của đất vì pH đất ở mức 5.5-6.5 thì phù hợp phát triển nhiều loại cây trồng, nếu pH trong vườn thấp hơn thì thường gây bất lợi cho sự sinh trưởng của cây và làm tốn tiền khi bón phân hóa học mà cây không sử dụng được, ngoài ra còn tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật bất lợi hoạt động. Và đất có hàm lượng hữu cơ thích hợp từ 1.5-3.0, với hàm lượng hữu cơ như vậy thì tương đối an toàn cho sức khỏe của đất, thường phải bón từ 5-10 tấn phân hữu cơ trên hecta trên một lần bón và thường một năm bón từ 1-2 lần. Nhưng nhiều nhà vườn tính số lượng kg/gốc cây hoặc theo khuyến cáo trên bao bì từ 1-2 tấn/hecta, với mức bón này thì chưa đủ đáp ứng cho sức khỏe của đất huống chi là những gì mà cây đã lấy đi để tạo ra năng suất cần thiết cho nhu cầu của mỗi vụ. Do đó, chúng ta có đòi hỏi quá đáng trên khu đất của vườn mình đang canh tác không?

Hình thầy Võ Tòng Anh trình bày tại lớp học Mekong Organics, ảnh Nguyễn Đém

Như vậy, qua sự trình bày của thầy, tôi có được bài học đáng nhớ là: cần đặt ra năng suất bao nhiêu cho mỗi vụ rồi tính toán lại nhu cầu phân bón theo hàm lượng để rải cho cây, cách tính toán đều được trình bày ở nhiều nơi, nếu chọn được loại cây trông và quyết tâm làm theo phương pháp hữu cơ thì nên chọn được loại phân hữu cơ và bón lượng phân hữu cơ đó với khối lượng phù hợp hơn những gì tôi đã nghĩ.

Trích từ Nguyễn Đém, thành viên lớp học Mekong Organics

Translate »

Discover more from

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading