Kỳ 6: Nhà khoa học và bạn bè quốc tế về làng lúa mùa nổi Vĩnh Lợi, Tri Tôn, An Giang

Bởi Ts. Nguyễn Văn Kiền*
Kể từ ngày Hội thảo đầu tiên tại VP UBND xã Vĩnh Phước vào tháng 3 năm 2013 và ngày Hội thu hoạch lúa mùa nổi vào ngày 11/01/2014, sau nhiều năm loại hình canh tác này bị bỏ quên, cây lúa mùa nổi được đặt lên bàn cân xem xét tính bền vững. Kể từ đó có nhiều đoàn khách quốc tế ghé thăm và tìm cơ hội hợp tác, như Đại sứ quán Úc tại Hà Nội, Đại sứ Hà Lan, các tổ chức nghiên cứu quốc tế như IRRI, SEARCA, SUMERNET, ALISEA, PAN AP, USAID, Đại học Quốc Gia Úc, ĐH Hoàng Gia Campuchia, ĐH Yangon Myanmar, ĐH Purdue Hoa Kỳ, ĐH Chulalongkon Thái Lan, và nhiều Viện trường quốc tế khác ghé thăm nơi chốn bưng biền này. Hết đoàn này đến lại đoàn kia nhằm xem xét đánh giá tìm hiểu để nghiên cứu.
Cũng 1 lần tình cờ, tôi gặp Ts David Freudenburger, giảng viên Khoa Môi Trường & Xã hội (Fenner School of Environment & Society), thuộc ĐH Quốc Gia Úc tại một Diễn đàn Mekong tổ chức tại ĐHQG Úc vào tháng 12 năm 2014. Tiến sĩ David gặp tôi và thảo luận về việc ông ấy mong muốn tìm 1 điểm tại ĐBSCL để triển khai chương trình Vietnam Field School cho 30 sinh viên từ ĐHQG Úc. Theo ông chương trình này đã được triển khai tại Hội An (Quảng Nam) hơn 9 năm, đã đến lúc cần đổi gió. Nhân cơ hội đó, tôi giới thiệu ông đến ĐHAG, và trãi nghiệm nhiều điểm trong đó có làng lúa mùa nổi Vĩnh Lợi, thăm núi cấm, đi chùa, đi thăm vườn cây ăn quả vùng cồn Chợ Mới, xem cá nuôi trong bè, thăm làng dệt lụa Tân Châu….làm ông tò mò và tôi đã thuyết phục được ông. Thế thì chương trình đầu tiên được triễn khai vào tháng 1 năm 2016 tại ĐHAG.

Điểm đến không thể quên của sinh viên Úc là Làng lúa mùa nổi Vĩnh Lợi. Cứ mỗi năm đến dịp đầu năm (tháng 1 DL) thì đoàn sinh viên (trên dưới 30 em) ghé thăm làng lúa mùa nổi để học tập hệ thống canh tác bền vững, văn hóa sống chung với lũ, được nghe người nông dân kể truyện về cây lúa, con cá, bắt chuột đồng,…và đặc biệt sinh viên có một bữa trãi nghiệm không thể nào quên với bà con nơi đây. Nam, nữ, trẻ, lớn trong làng đều tham đến tham gia. Ban đầu họ hơi e ngại, nhưng sau làm vài ly rượu đế nóng hỏi (nấu bằng gạo lúa mùa nổi) và ăn thịt chuột đồng bắt tại ruộng nướng vàng hực, mọi người bắt đầu hò hát. Hổng cần ai phiên dịch nữa, mà họ đều hiểu nhau, qua ly rượu, và những kiểu múa tay múa chân….rồi một hồi cả cái sân của chú Tư Hào biến thành một vũ trường không gian mở, giữa nơi chốn bưng biền…

Khi ra về họ nắm kéo nhau, chia tay ly rượu cuối, uống nghọt liệm, nghe cái ót…công nhận mấy đứa sinh viên Tây uống mạnh thiệt, uống xong còn lật úp cái ly lại nữa chứ…Bà con thì bịnh rịn chia tay với đoàn, rồi mất một hồi dài khi tiếng máy nổ của chẹt đặt cái chân vịt xuống nước đưa đi rời bến…họ vẫy tay nhau đến khi chẹt xa hẵn….

Khi về Úc tình cờ tôi cũng gặp lại các em sinh viên này, và họ rất vui, có em còn nói chuyến đi Việt Nam đã làm thay đổi suy nghĩ của em về thế giới, về cuộc sống hiện tại, là một chuyến đi không thế nào quên đối với em!
Cuộc vui đã đến, thách thức kèm theo bởi trận hạn bà chằng năm 2016, phải làm sao đây? Mời xem tiếp!