Kỳ 5: Những nguồn quĩ hạt giống (seed funds) đã làm sống lại lúa mùa nổi An Giang

Phục hồi hệ sinh thái lúa mùa nổi – một nền nông nghiệp sinh thái bền vững vùng Mekong
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, GĐ. Mekong Organics, trưởng dự án bảo tồn và phát triển hệ thống canh tác lúa mùa nổi vùng Mekong
Khi mới vào nghề mần nghiên cứu khoa học thì việc đầu tiên là ý tưởng. Ý tưởng tốt sẽ khai phóng và trở thành sự thu hút của các quĩ tài trợ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải lúc nào ý tưởng “tốt” lại được đến “tai” của nhà tài trợ nếu chúng ta không “biến” những ý tưởng hay đó bằng những hành động “cụ thể”.
Bằng kinh nghiệm triển khai dự án “bảo tồn và phát hệ thống canh tác lúa mùa nổi vùng Mekong”, tôi xin chia sẻ đến các bạn mới bắt đầu mần khoa học về tầm quan trọng và ý nghĩa của “seed fund”. Seed fund được hiểu nom na như là fund hạt giống, có nghĩa là từ fund (quĩ) đó, chúng ta có thể phát triển thành các đề tài lớn, những công trình lớn mang tính chất đốt phá hoặc mang tính bền vững. Có rất nhiều tổ chức quốc tế chuyên tài trợ các loại seed fund này. Thường seed fund có giá trị khoản 5-15.000 đô la Mỹ được tài trợ trong 12 tháng. Một trong số tổ chức điển hình chuyên tài trợ seed fund trong nghiên cứu nông nghiệp bền vững tại vùng ĐNÁ là tổ chức SEARCA.
Ngoài các tổ chức quốc tế, trong nước cũng có rất nhiều nguồn quĩ này, như các đề tài khoa học cấp trường, hay đề tài cơ sở thuộc sở KH& CN các tỉnh quản lý. Đây là những nguồn quĩ tuy nhỏ, nhưng nếu chúng ta biết tận dụng và kết hợp tốt thì tác động của chúng lại không hề nhỏ.
Vậy làm sao? Bắt đầu như thế nào?
Qua câu chuyện xây dựng nhóm nghiên cứu liên ngành và đa ngành tại ĐHAG để triển khai dự án 03 năm về bảo tồn và phục hồi hệ thống canh tác lúa mùa nổi đến ngày nay.
Chuyện là vầy, trước 2013 Trung tâm NC&PTNT nơi tôi về nhận nhiệm vụ với tư cách là PGĐ. TT. Thời trước đó, mỗi năm TT nhận được nguồn kinh phí cho 15 đề tài (tương ứng với 15 nhân sự biên chế), mỗi đề tài trị giá 30 triệu đồng (tương đương đề tài cấp trường). Cách thực hiện trước đó là phân mỗi đề tài cho 1 cá nhân làm theo sở thích chuyên môn, nhưng lại thiếu tính liên kết, thiếu tính liên ngành, do đó việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn coi như bằng “không”. Và cứ thế hàng năm ngân sách tỉnh tốn vài trăm triệu để cho nghiên cứu rồi in ấn báo cáo rồi đóng cửa.

Tuy nhiên nếu chúng ta biết cách huy động các đề tài nhỏ lại thành 1 chương trình hay một chuỗi các đề tài, thì câu chuyện sẽ thay đổi rất tích cực.
Khi nhận nhiệm vụ, đầu tiên tôi tổ chức cuộc họp với tất cả thành viên, để đánh giá các nguồn lực và từng thành viên có. Có thể là nguồn lực tiếng anh, viết lách, phân tích, xác định vấn đề, kể cả các nguồn vốn xã hội mà từng thành viên có. Sau đó chúng tôi đối chiếu với nhu cầu của địa phương, những tính cấp thiết cần nghiên cứu. Trong quá trình đó, chúng tôi đã phát hiện việc phục hồi một nền nông nghiệp sạch từ phục hồi hệ thống canh tác lúa mùa nổi là chìa khóa để chuyển đổi tư duy trong nghiên cứu phát triển nông nghiệp bền vững. Khi nói đến lúa mùa nổi, nghĩ là chỉ có “lúa”, nhưng nó không đơn giản như vậy.

Để xây dựng được chương trình nghiên cứu dài hạn này (2013-2016), tôi và đồng đội tại TT. NCPTNT và Khoa Nông Nghiệp, Khoa Kinh tế, Khoa Văn Hóa nghệ thuật và du lịch của ĐHAG, đã tốn nhiều thời gian để đến gặp các chuyên gia, các lão nông tri điền, các bà nội trợ, các thương gia, các chị bán hàng xáo, các cán bộ quản lý ngành nông nghiệp, cựu chiến binh, lão thành, và những nhà khoa học đi trước.

Cụ thể, tôi thường đến gặp chú Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang) để được chia sẻ suy nghĩ của mình về kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát triển lúa mùa nổi và lắng nghe góp ý của chú về ý tưởng của mình. Tôi nhớ vào đầu 2013, tôi ghé nhà chú và mang theo 1 túi gạo lúa mùa nổi nhỏ để tặng chú dùng thử, và được chú rất ủng hộ như thế này “làm đi cháu”, ý nghĩa lắm đó.

Khi nghe được lời động viên từ chú Bảy, trong người tôi máu chạy “gần gần”, cảm giác rất là vui khi được một cựu lão thành “gật đầu” cho một chương trình nghiên cứu ứng dụng, từ sự kết hợp của nhiều khía cạnh: từ trồng trọt, hệ thống canh tác, giống, sinh kế, kinh tế xã hội, chuỗi giá trị, môi trường đất nước, đa dạng sinh học, văn hóa nghệ thuật, làm phim ảnh, vẽ tranh, truyền thông, tổ chức các sự kiện hội thảo, chia sẽ kinh nghiệm, định giá nông sản, mời gọi doanh nhân, và tổ chức các diễn đàn khoa học quốc tế và vùng.

Kết quả là, chúng tôi đã đồng thuận sử dụng 2/3 kinh phí từ các đề tài nhỏ tập hợp lại thành 1 chuỗi nghiên cứu trong 3 năm. Từ đó mà chúng tôi có được một công trình nghiên cứu thật tuyệt vời. Chúng tôi đã cho ra được túi gạo sinh thái đầu tiên tại An Giang, phục tráng lại giống lúa mùa nổi An Giang (do Ths Lê Thanh Phong dẫn dắt chương trình giống); chúng tôi đã xây dựng được chuỗi giá trị, liên kết DN tiêu thụ với giá 14.000 đồng/kg lúa tại ruộng; DN Cooking Studio từ SG, mùa về chà đóng gói bán giá 95.000 đồng/kg gạo; chúng tôi đã xây dựng được clip về lúa mùa nổi (do ths Phạm Duy Tiễn chủ biên), phân tích các gia trị dinh dưỡng gạo lúa nổi (do Ts. Hồ Thanh Bình chủ xị), phân tích các giá trị kinh tế, xã hội môi trường, đa dạng sinh học, và vẽ bộ tranh về làng lúa mùa nổi do sinh viên khoa văn hóa nghệ thuật thực hiện.

Tất cả những sản phẩm nghiên cứu khoa học của năm thứ 1 (2013) đã được dùng trưng bày tại ngày hội thu hoạch lúa mùa nổi đầu tiên tại vùng ĐBSCL, tọa lạc tại làng lúa mùa nổi, ấp Vĩnh Lợi, Xã Vĩnh Phước, Tri Tôn, An Giang. Ngày hội thu hút hơn 200 đại biểu là nhà nông, doanh nhân, khao học, nhà quản lý, các tổ chức NGOs, và các cộng đồng yêu nông nghiệp thiên nhiên đến dự. Từ đó chương trình bảo tồn di sản lúa mùa nổi của An Giang được lan tỏa đến Đồng Tháp (Hồng Ngự, Tràm Chim), và gần đây nhất là mở rộng sang khu dự trữ sinh quyển Láng Sen của tỉnh Long An. Xa hơn nữa, bảo tồn lúa mùa nổi đã lang tỏa đến nước bạn Campuchia và Myanmar (còn tiếp) ở các kỳ sau.





















