Cây Đậu và “Những chiếc lá may mắn”

Home Forums Self-introduction Cây Đậu và “Những chiếc lá may mắn”

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #5347
      Ngan Nguyen
      Participant

      (139)_Nguyễn Thị Hồng Ngân
      Hộ Kinh doanh Cá thể
      Đang canh tác tại farm Củ Chi.

      CÂY ĐẬU VÀ “NHỮNG CHIẾC LÁ MAY MẮN”

      Con đường đưa mình đến với hữu cơ này cũng rất là hữu duyên, “bạn của bạn” nên mình xem như là một sự may mắn, giống như chiếc lá của cây đậu phộng. Rồi cũng chính “cây đậu phộng” này lại tạo cho mình nhiều kết nối, gặp gỡ hết những người bạn hữu cơ này đến những người bạn hữu cơ khác. Có thể nói, được trở lại với chính mình, được trải nghiệm và vận dụng một phần kiến thức nhỏ của “ngành Môi trường” vào công việc hiện tại. Mình chỉ mới chập chững bước vào lĩnh vực này, và cũng chưa có sản phẩm hay thương hiệu riêng cho bản thân, nên chỉ xin chia sẻ cảm xúc của người mới vào nghề.

      Làm hữu cơ cực lắm, phải nói là “rất cực”, nhưng lỡ làm rồi thì “yêu” lúc nào không hay. Nhớ những lần gửi trao tặng “sản phẩm hữu cơ” cho người thân, mọi người gửi phản hồi về nhiều cung bậc lắm. Người đi chợ thì nói: “sản phẩm sạch” đã là khó mà có “sản phẩm hữu cơ” lại càng khó hơn. Còn người sành ăn thì nói: “mùi, vị của hữu cơ khác nhỉ, thơm, đậm đà hơn”. Người làm kinh doanh thì nói: “làm phải có lãi”. Nói chung, không phải người kinh doanh không có lý của họ. Tạm gác bài toán kinh doanh sang một bên để nhìn về phía trước và hôm nay mình có thêm một kết nối mới: MEKONGORGANICS và cộng đồng những người bạn hữu cơ.

      “Chiếc lá may mắn mới”lại dẫn đường đưa mình đến với MEKONGORGANICS từ một người bạn luôn đứng đằng sau hỗ trợ; hay nói đúng hơn bạn gần như “full support” cho mình mọi việc.

      Nói về vùng đất Củ Chi, vùng đất nơi mình canh tác, thuộc nhóm đất xám, rất dễ thoát nước và thích hợp cho loại cây trồng ngắn ngày rau, đậu phộng… trong khi sử dụng cần chú ý các biện pháp chống xói mòn và rửa trôi cũng như tăng cường phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất nhất là phân hữu cơ. Ba loại cây trồng chính hiện đang được trồng luân canh tại khu đất của mình là đậu phộng, mè, bắp.

      Nói về cây đậu phộng. Một giống cây để lại cho mình nhiều cảm xúc và cách nhìn. Khi cây nẩy mầm, điều ấn tượng với mình chính là những chiếc lá, chiếc lá ấy khá giống với cỏ may mắn và chính những chiếc lá của cây đậu phộng này giúp mình gắn bó và có say mê với lĩnh vực hữu cơ. Trong quá trình canh tác, mình học được rất nhiều bài học từ hai góc nhìn của 2 trường phái: cứ để tự nhiên hay chăm sóc thường xuyên.

      Để tự nhiên thì sẽ duy trì được sự đa dạng sinh học. Ưu điểm của phương pháp này không phải là không có, ít tốn công lao động là điều nhìn thấy rõ nhất, sự đa dạng sinh học cũng có luôn. Nhưng khuyết điểm nổi bật cũng thấy rất rõ, đó chính là cỏ. Phải công nhận, cỏ có sức sống vô cùng mãnh liệt, nó mọc bất chấp trong mọi hoàn cảnh; dù không chăm, không bón, không gieo, nhưng chỉ cần sót lại chút gốc cỏ là sau đó mấy ngày chúng lại nẩy mầm, thậm chí vượt mặt và bao trùm cây trồng. Nhà nông thường có câu “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Đặc điểm của cây đậu phộng là quả (củ) nằm dưới đất, để có hạt thì những bông hoa đậu phộng sẽ đâm tia xuống đất. Do đó, trong thời điểm này, nếu cứ để tự nhiên thì sẽ gây khó khăn cho việc đâm tia và dẫn đến năng suất cây trồng sẽ thấp. Trồng theo phương pháp hữu cơ, thì không được dùng hoá chất. Mà nếu có dùng thuốc thì đó phải là thuốc đặc trị hữu cơ, những loại thuốc này thì giá thành cũng còn khá cao và khó tiếp cận đối với bà con nông dân, hay hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

      Chăm sóc thường xuyên thì đúng là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Năng suất thì có, nhưng vẫn phải đối mặt với sâu bệnh và bài toán kinh tế.

      Nói thế, không có nghĩa là không có lối ra cho ngành canh tác hữu cơ nếu hiểu đúng, vận dụng đúng, và có kết nối, và kết nối mình muốn nói đến chính là MEKONGORGANICS. Nhờ vào sự hỗ trợ hết mình của những người bạn hữu cơ đi trước và kinh nghiệm rất nhỏ nhoi từ bản thân là khi trồng một loại cây nào đó, điển hình là cây đậu phộng (loại cây ưa nắng)_canh tác thích hợp vào vụ đông xuân. Mình chỉ xin đề cập đến những giai đoạn làm cỏ, vì nếu hiểu đúng chúng ta vẫn duy trì được sự đa dạng sinh học và vẫn thu được năng suất. 2 tuần trước khi gieo cần làm đất thật kỹ, thật sạch, bón vôi + bón lót. Sau khi gieo tầm 20 ngày, lại tiếp tục làm cỏ + vun gốc + xới xáo (lúc này cây đậu phộng trong giai đoạn cây con). Tiếp tục sau 25-30 ngày kể từ lúc gieo, chúng ta lại tiếp tục vun gốc + xới xáo (lúc này cây đậu phộng đã ra hoa) để chuẩn bị cho quá trình đâm tia được dễ dàng sau này. 40-45 ngày, lại tiếp tục vun gốc, xới xáo thật nhẹ (do lúc này đậu phộng trong giai đoạn nở rộ và đâm tia). Trong quá trình trồng đậu phộng, vẫn có thể trồng xen canh thêm đậu bắp….

      Nay có thêm MEKONGORGANICS cung cấp những kiến thức về Phong trào nông nghiệp hữu cơ toàn cầu, khu vực và địa phương từ TS_Thầy Nguyễn Văn Kiền_ Giám đốc Mekong Organics; của (Ms) TS Estela Gutierrez Rodriguez; của (Mr) Andre’ Leu. Hàng loạt những bài giảng về đất của Thầy Alan Broughton_Phó chủ tịch OAA và Nhà giáo dục hữu cơ của MeKong Organics. Các khía cạnh kinh tế, quy định và quản trị của sản xuất và thương mại thực phẩm hữu cơ của Giám đốc Điều hành của Policy Partners Pty Ltd_Tony Webster. Chính sách, tiêu chuẩn và quy hoạch nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam của Phó Tổng cục Phạm Văn Duy và TS Hà Phúc Mịch… và còn nhiều bài giảng sắp tới đã tạo cho mình nhiều động lực để tiếp tục con đường mình chọn.

      Xin cám ơn.

      • This topic was modified 1 year, 9 months ago by Dong Nguyen.
      • This topic was modified 1 year, 9 months ago by Dong Nguyen.
      • This topic was modified 1 year, 9 months ago by Dang Nguyenminh.
      • This topic was modified 1 year, 9 months ago by Dong Nguyen.
      Attachments:
      You must be logged in to view attached files.
Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.
Translate »