CHÚNG TÔI LÀM TÔM HỮU CƠ

ThS Lâm Thái Xuyên – Giám đốc Doanh nghiệp Xã hội Minh Phú

Email: thaixxuyen@minhphu.com

Trở về Cà Mau làm việc – nhận nhiệm vụ Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Minh Phú, vào dịp Tổng thống thứ 45 nước Mỹ nhận chức (20.1.2017), sau 25 năm xa quê nhà (lúc 18 tuổi). Hành trang là những ký ức thời còn đi học với những câu hát trong bài “Đất Mũi Cà Mau” với … cánh đồng thơm ngát, đước rừng bát ngát, cá bạc tôm vàng, đất cũng sinh sôi, … đi lên lòng dạt dào, dựng xây cuộc sống mới …về đất biển Cà Mau thấy đất trời thêm rộng lớn … và những câu hỏi chưa lời đáp về làm sao để vận hành một doanh nghiệp xã hội trong ngành tôm…

Ảnh: Tôm sú hữu cơ Cà Mau

Ngày 20/01/2017, Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú thành lập Doanh nghiệp xã hội Minh Phú với mục tiêu xã hội và môi trường. Doanh nghiệp xã hội Minh Phú thực hiện các dự án chứng nhận vùng nuôi tôm sinh thái, hữu cơ trong rừng đước tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển bền vững sinh kế cho cộng đồng người dân nuôi tôm, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, thu mua sản phẩm chứng nhận, gìn giữ và phát triển nghề nuôi tôm rừng truyền thống, thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa của nghề nuôi tôm, xây dựng hình ảnh thương hiệu và nâng cao tôm sinh thái, hữu cơ như là sản phẩm đặc sản và chất lượng cao… góp phần phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của địa phương. Thực tế, Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú đã thực hiện các dự án tôm hữu cơ từ năm 2013 nhưng giai đoạn 2013-2016 mô hình hoạt động không ổn định, sản phẩm chưa bán được nhiều, chi phí vận hành cao, nguồn thu ít, kết quả lỗ trong 4 năm đó …

Từ khi đi vào hoạt động (20/1/2017), Doanh nghiệp xã hội Minh Phú đã định hình được mô hình hoạt động – Doanh nghiệp xã hội. Mục tiêu hoạt động: vì xã hội và môi trường, phát triển cộng đồng người dân nuôi tôm có chứng nhận quốc tế. Từ đó, kết hợp các mục tiêu vì lợi nhuận và phi lợi nhuận vào mô hình quản trị. Đến giữa năm 2018, được  gói gọn lại thành “Chuỗi giá trị ngành tôm hữu cơ và chứng nhận quốc tế”… để làm định hướng cho Doanh nghiệp xã hội Minh Phú. Kết quả, từ thua lỗ, đã có lãi gần 200 triệu năm 2017, hơn 4 tỷ năm 2020, hơn 1,2 tỷ đồng năm 2021 (dịch covid-19)… các hộ dân đạt chứng nhận tăng từ 915 hộ và 4.679 ha lên 2.010 hộ dân và 9.722 ha. Các chứng nhận EU Organic, Selva Shrimp được giữ vững, tăng thêm các chứng nhận Mangrove Shrimp, Canada Organic và Seafood Watch Green. Từ đó giúp hoạt động kinh doanh ổn định bán hàng ở Châu Âu và mở rộng thêm thị trường mới như Mỹ, Canada và Nhật Bản. Hỗ trợ người dân: 100% phí chứng nhận, chi trả dịch vụ môi trường rừng (500.000 đồng/ha): tăng từ 1,15 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, hoạt động thu mua tôm nguyên liệu cho người dân trung bình hơn 100 tỷ đồng/năm và xuất khẩu tôm hữu cơ, đạt chứng nhận hơn 120 tỷ đồng/năm, giải phóng được tồn kho, gia tăng giá trị, năm sau cao hơn năm trước…

Bên cạnh đó, tôm hữu cơ Minh Phú đạt giải vàng của Bộ nông nghiệp năm 2018, vùng nuôi đạt kỷ lục Việt Nam 2021, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau cả vùng nuôi và nhà máy tháng 2.2022… Khách nước ngoài đến thăm vùng nuôi tôm hữu cơ 3 năm 2017, 2018, 2019 khoảng 30 đoàn/năm, năm 2020-2021 do Covid-19 nên ít khách đến thăm. Năm 2022, với sự cho phép của chính phủ, đã xúc tiến lại hoạt động cho khách đến thăm. Hoạt động này giúp quảng bá hoạt động nuôi trồng, sản phẩm sạch, truy suất nguồn gốc tốt… và ý nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng … sản xuất tôm có trách nhiệm của Minh Phú.

Ngày 26/05/2021 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings đã chính thức xác lập kỷ lục với nội dung: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – Đơn vị sở hữu vùng nuôi Tôm Sú hữu cơ hữu cơ trong khu vực rừng Đước ngập mặn lớn nhất Việt Nam (tổng diện tích tính đến năm 2021 là: 9.722 ha với 2.010 hộ dân).

Ảnh: Kỷ lục Việt Nam về tôm sinh thái hữu cơ

Trong hơn 9 năm qua, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú/ Doanh nghiệp xã hội Minh Phú không ngừng mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái, hữu cơ dưới tán rừng, không ngừng tạo ra những sản phẩm tôm chất lượng cao và quảng bá đến người người tiêu dùng thế giới. Thông qua đó, Minh Phú còn tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm và tạo môi trường bền vững cho thế hệ mai sau.

Hoạt động đào tạo cũng là vấn đề Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Minh Phú rất quan tâm và chú trọng. Xác định làm chứng nhận hữu cơ, chứng nhận quốc tế với hàng ngàn hộ dân, nhiều đối tác thì càng biết nhiều kiến thức càng tốt, nên học mọi thứ là một chủ trương. Học thầy, học bạn, học đồng nghiệp, học trên lớp, học qua bài báo, học qua hội thảo, học qua sách… hoạt động tự học của anh em bắt đầu được thay đổi, dần dần trở thành thói quen. Từ đó, giúp cho anh em nhân viên rèn luyện tư duy mở, tích cực, có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực phục vụ tốt cho công việc… Kết quả, đã có 2 nhân viên từ trung cấp đã tốt nghiệp đại học, 4 nhân viên còn lại có trình độ trung cấp, cao đẳng đang học đại học… dự kiến đến 2025 tất cả 100% nhân sự có trình độ đại học và thạc sĩ (hiện có 3 thạc sĩ). Thói quen cùng rèn luyện, cùng học qua những bài báo, video… được nhiều anh em duy trì hằng ngày thông qua các nhóm Zalo. Với Dự án DV của Mekong Organics, chúng tôi xác định đây là môi trường để học tập rất tốt và hữu ích nên đăng ký 100% nhân sự Doanh nghiệp tham gia, giám đốc và tất cả nhân viên đều tham gia và cùng học tập, trao đổi với các học viên đến từ các vùng miền khác, từ các tổ chức nước ngoài.

Chúng tôi biết ơn Mekong Organics đã tổ chức khóa học rất hữu ích và hy vọng trong tương lai sẽ có được khóa học khác hay sự hợp tác vì chúng ta cùng một mục tiêu: Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam cho mọi người.

Doanh nghiệp xã hội Minh Phú – chúng tôi làm tôm hữu cơ./.

Translate »